Ẩu đả - chuyện thường ngày trong trường học

"Bạo lực học đường giờ đây không chỉ còn là giữa những bạn nam mà còn xảy ra ở cả phái nữ - hiện tượng “nóng”, đáng để xem hơn cả nam nhi."



Đây là bài dự thi cuộc thi


"Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn
thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả:
Vũ Thị Hằng, lớp 9A1 Trường THCS An Vũ, Thủy Nguyên - Hải phòng

“Nếu có quyền, trẻ em Việt Nam sẽ thay đổi điều gì? “. Có lẽ đó là lần đầu tiên
mà câu hỏi đó được đặt ra với trẻ em Việt Nam. Đó là một cơ hội hãn hữu để cho
chúng con được bày tỏ những suy nghĩ của chính mình đối với mọi người - nếu như
trước đây người lớn chỉ coi đó là lời nói thơ dại. Vậy nên con đã quyết định
tham gia cuộc thi này để qua đó giúp mọi người thấy được phần nào những mong ước
nhỏ nhoi của chúng con.



Trước khi tham gia cuộc thi, con cũng từng được dự những buổi tập huấn, tuyên
truyền về quyền và nghĩa vụ của trẻ em ở địa phương. Quả thật chỉ sau một thời
gian ngắn thực hiện Luật Bảo Vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là những
trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã tiến bộ cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Đã
có những quỹ khuyến học những suất học bổng - những món quà tinh thần và vật
chất vô cùng to lớn với chúng con. Tuy nhiên, số lượng những vụ hành hung, bạo
lực học đường lại đang ngày càng gia tăng đã trở thành một vấn đề bức xúc hiện
nay. Đặc biệt với trẻ em, nhất là các em gái - là những nạn nhân đang phải hứng
chịu và không có khả năng tự bảo vệ mình. Vì thế nó càng trở nên nhức nhối và
thách thức cho xã hội Việt Nam hiện nay.



Một cô giáo cũ của con (hiện giờ đã chuyển công tác) khi về thăm trường đã kể
cho chúng con một chuyện mà cho đến bây giờ con vẫn không thể nào quên. Đó là
ngày đầu tiên khi đến nhận công tác đã bắt gặp một vụ “trả đũa” giữa hai học
sinh nam của trường đó. Thế nhưng rất nhiều các học sinh khác chỉ đứng xem, có
nhiều bạn còn reo hò cổ vũ, kèm theo những câu kiểu như “đánh nó đi, mẹ mày!
Đánh nó mạnh nữa cho tao” … mà chẳng thấy ai đến can ngăn.



Khi cô hỏi một bạn học sinh ở đó thì lập tức nhạn được một câu trả lời thờ ơ đến
không thể tưởng “ Có sao đâu cô, chuyện này tuần nào mà chả có. Mà khi có đến
hai ba lần ý chứ”.



Ở trường con thì chưa đến mức tồi tệ như thế nhưng cũng không phải là không có.
Nhiều bạn muốn vào can ngăn nhưng lại sợ chưa can được đã trở thành "bao cát bò
ra”. Vậy nên phải tìm cách báo với thầy cô giáo để ngăn chặn. Tuy nhiên, nếu để
tay chân của “anh chị” trông thấy mình mách lẻo thì cũng phải dè chừng, không
cẩn thận thì cũng bị xử như chơi.



Con cũng từng là nạn nhân của một vụ như vậy. Con cũng đã được “ăn đế giầy” của
cậu bạn nhưng sau đó cũng chẳng dám nói lại với bố mẹ và thầy cô (vì chẳng muốn
bị nặng hơn). Mấy đàn em của cậu đó thì bảo con là “may mắn” vì chỉ mới hơi xây
xát chút. Sau đó đã có thời gian con sống thu mình lại, không làm quen với ai,
với một phương châm “không nghe không thấy không can dự” đến mình để khỏi bị hệ
lụy.



Cũng chính lúc đó mẹ thấy điều bất thường ở con và đã hỏi han con. Con đã kể hết
với mẹ và cảm thấy nhẹ long hơn rất nhiều.Con đã chợt nhận ra khoảng thời gian
đen tối đó của mình và tự nhủ phải mạnh mẽ hơn. Con cũng thấy cần thiết phải có
những biện pháp, những hướng thoát tích cực cho vấn nạn trên. Bởi bạo lực học
đường giờ đây không chỉ còn là giữa những bạn nam mà còn xảy ra ở cả phái nữ -
hiện tượng “nóng” , đáng để xem hơn cả nam nhi.



Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên. Thứ nhất là giới trẻ chưa hoàn
thiện về suy nghĩ , dễ kích động và tính hiếu thắng. Chỉ một mâu thuẫn nhỏ cũng
dẫn đến việc dung bạo lực để giải quyết. Họ nghĩ làm thế thì mọi người sẽ nể sợ
họ và họ - là một tay anh chị đích thực trong trường, một dân chơi có máu mặt.




Thứ hai là gia đình quá buông lỏng hoặc không chú ý đến con cái. Đôi khi chỉ một
chút quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của con cũng khiến cho con cảm thấy không
bị cô đơn, bị bỏ rơi, cô lập. Việc cha mẹ quá bận bịu với công việc hoặc thờ ơ
con với suy nghĩ “ chúng nó lơn rồi nó tự biết nên làm gì” cần phải xem xét lại.




Trẻ em - đặc biệt ở lứa tuổi mới lớn - giai đoạn phát triển cả về mặt thể xác
lẫn tâm hồn - rất nhạy cảm. Có khi chỉ một hành động nhỏ của cha mẹ tác động rất
lớn đến con cái. Nhất là khi chứng kiến cảnh cha mẹ cãi cọ, đánh nhau thì lập
tức suy nghĩ dùng bạo lực sẽ hình thành trong đầu họ và họ sẽ áp dụng chúng với
người khác, điều đó thật không nên.



Để giảm thiểu và bài trừ vấn nạn trên, con xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp
như sau:



Cha mẹ nên quan tâm, chăm lo hơn đối với con cái, đừng nên quá dành nhiều thời
gian cho công việc. Hãy thường xuyên hỏi han tâm sự, chia sẻ với con của mình,
để cho họ có thể cởi mở long mình với cha mẹ, tránh cảm giác bị bỏ rơi, cô lập



Với mỗi lớp học, giáo viên nên có những buổi hoạt động vui chơi, ngoại khóa cho
học sinh của mình, qua đó thắt chặt hơn tình bạn bè, tránh những mâu thuẫn nảy
sinh tạo ra một sân chơi lành mạnh cho học sinh, bài trừ những tư tưởng lệch
lạc.



Với những đối tượng tham gia vụ ẩu đả, có những người không phải là học sinh
trong trường, không thuộc phạm vi quản lý của nhà trường những cũng trong sự
kiểm soát của tổ chức xã hội. Vì vậy với những đối tượng ấy cũng cần phải có sự
xử phạt đích đáng nghiêm minh.



Trên đây là một số những cảm nhận và nhận thức của con về vấn đề bạo lực học
đường. Con mong những tâm sự, góp ý của con sẽ được các cô các bác lắng nghe và
suy ngẫm. Và con cũng mong rằng những luật bảo về trẻ em sẽ ngày càng hoàn thiện
hơn, đem lại những lợi ích thiết thực cho trẻ em, đặc biệt là ở Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét