"Bạo lực học đường" và những giá trị đạo đức Nho giáo

Điều đáng nói là các chuẩn mực đạo đức và giá trị con người hiện nay không còn đặt nặng chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; Công, Dung, Ngôn, Hạnh,... mà được cân đo, đong đếm bằng tiền bạc và quyền lực.


Bạo lực học đường


Bức tranh học đường vì sao "tối"?

Theo số liệu được đưa ra tại "Hội thảo giải pháp phòng ngừa từ xa và ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/07/2010 thì trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến ngày diễn ra hội thảo, các trường trên toàn quốc đã xử lý kỷ luật, khiển trách gần 900 học sinh, buộc thôi học hơn 730 học sinh và cảnh cáo gần 1.600 học sinh do tham gia vào các vụ đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Riêng năm học 2009-2010 xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người.

Nhìn những con số "ấn tượng" trên đây, chắc nhiều người sẽ hình dung ra bức tranh về bạo lực học đường tại Việt Nam hiện nay "tối" đến mức nào. Bất chấp những lời cảnh báo của các cơ quan chức năng, của những người làm công tác giáo dục... nạn bạo lực học đường vẫn không hề suy giảm mà càng ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, với thời đại công nghệ số, trong vòng 1 vài năm trở lại đây, đã có hàng mấy chục clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng gây bức xúc dư luận.

Công bằng mà nói thì hành vi đánh nhau của học sinh, kể cả của nữ sinh thời nào cũng có. Nếu đó chỉ là sự bộc phát nhất thời hay cách giải quyết mâu thuẫn theo cách "trẻ con" thì không có gì đáng bận tâm. Tuy nhiên hiện nay hành vi đánh nhau của học sinh ngày càng gia tăng về mức độ và tính nghiêm trọng ngày càng cao. Đã từng có những vụ án mạng từ chốn học đường với những lý do không đâu vào đâu.

Điều đáng nói là hiện tượng đánh nhau không chỉ có ở học sinh THPT mà kể cả những học sinh đang học THCS với tuổi đời còn rất nhỏ. Hành vi này có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần số xuất hiện và có nguy cơ lây lan trên diện rộng và nên cần được nhìn nhận đây thực sự là một hiện tượng xã hội rất đáng lo ngại.

Có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, từ lý giải nguyên nhân đến đề xuất các giải pháp.

Theo PGS.TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển, Đại học Quốc gia HN thì "Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do lâu nay giáo dục của chúng ta quá nặng về dạy chữ mà ít chú trọng dạy đạo đức, lối sống, cũng như kỹ năng sống cho học sinh".

Trong khi đó, bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicef) tại Việt Nam thì cho rằng: "Những nữ sinh (hay nam sinh) này cảm thấy không an toàn ở môi trường xung quanh, nên chúng cũng có cảm giác không an toàn ở trường học. Nếu ở môi trường mà chúng không thể yêu thương người khác hoặc không được người khác yêu thương thì rất dễ cư xử như thế".

Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến cho rằng các em học sinh hiện nay thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ quá chú tâm vào việc kiếm tiền và chu cấp đầy đủ về vật chất cho con, mà không quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ của con cái. Điều này vô tình khiến các em cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Tương đồng với ý kiến này, có người còn cho rằng chính người lớn chúng ta đang quá bạo lực với các em, từ đó các em sẽ sẵn sàng bạo lực với các bạn cùng trang lứa khi có cơ hội.


Suy cho cùng, các ý kiến trên đây cũng mới chỉ nói lên được 1 vài khía cạnh nào đó của vấn đề. Đúng ra, chỉ khi nào chúng ta nhìn nhận sự việc với sự quan tâm đúng mức- 1 hiện tượng xã hội đáng lo ngại, từ đó mới mong tìm được nguyên nhân và có giải pháp đúng đắn.

Sức nặng của 2 chữ "quyền- tiền"

Thời kỳ phong kiến, mặc dù ngày xưa con người bị trói buộc vào những quy tắc ứng xử cổ hủ, lạc hậu đáng bị lên án và loại bỏ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thứ chuẩn mực đáng để chúng ta cần xem xét lại và học hỏi, đặc biệt là các chuẩn mực đạo đức của Nho giáo.


Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo, là 1 hệ thống đạo đức, triết lý và tôn giáo do Khổng Tử phát triển để xây dựng một xã hội thịnh trị. Khổng tử đặt ra một loạt tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức ... để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị và an sinh xã hội.

Đối với người đàn ông thì phải hiểu đạo lý tam cương, ngũ thường.

Trong đó, Tam cương là 3 trật tự của xã hội của chế độ phong kiến hồi xưa, đó là: 1) Quân thần cương: Đạo vua và thần trong triều. 2) Phụ tử cương: Bổn phận của cha và con. Cha có bổn phận phải nuôi dạy con cái cho nên người. Con phải có hiếu với cha mẹ. 3) Phu phụ cương: Bổn phận vợ chồng.

Còn Ngũ thường: 5 điều thường có của con người. Đó là: 1) Nhân: Phải có lòng thương người. 2) Nghĩa: Phải có đạo nghĩa. 3) Lễ: Đối xử phải có lễ phép với nhau. 4) Trí: Con người phải có trí tuệ. 5) Tín: Con người phải sống thành thật để mọi người tin mình.

Đối với phụ nữ thì phải có được tam tòng, tứ đức.

Mặc dù có một số quy tắc, chuẩn mực đạo đức này đã không còn phù hợp với thời đại hiện nay nhưng phần lớn những chuẩn mực đạo đức Nho giáo vẫn còn nguyên giá trị như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; Công, Dung, Ngôn, Hạnh, ...

Trở lại xã hội hiện nay: Do yêu cầu phát triển và áp lực về kinh tế, danh vọng mà các chuẩn mực Nho giáo cũ đã phần nhiều bị mai một. Điều đáng nói là các chuẩn mực đạo đức và giá trị con người hiện nay không còn đặt nặng chữ Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; Công, Dung, Ngôn, Hạnh, ... mà được cân đo, đong đếm bằng tiền bạc và quyền lực.

Mối quan hệ "tiền bạc - quyền lực" đang xâm chiếm và chi phối toàn bộ đời sống xã hội. Người có tiền thì mong muốn có quyền. Ngược lại, người có quyền thì bằng mọi giá tìm kiếm nhiều tiền. Người có tiền và có quyền thì được người khác ngưỡng mộ, tâng bốc, cung phụng, nịnh bợ, ... hòng kiếm được chút lợi lộc bất chấp lòng tự trọng và không còn biết gì đến xấu hổ, nhục nhã.

Cũng vì "tiền bạc - quyền lực" mà nhiều người bất chấp tất cả để cố đạt được nó. Cũng vì cái chuẩn mực ấy mà đã có biết bao câu chuyện đau lòng phát sinh trong xã hội hằng ngày được các cơ quan truyền thông phản ánh.

Trong một xã hội như vậy, chắc chắn sẽ tác động đến suy nghĩ và hành động của các em nhỏ vốn rất dễ bị lôi kéo và bắt chước. Và cái chuẩn mực đạo đức, giá trị con người bằng "tiền bạc - quyền lực" đã thực sự xâm hại đến môi trường giáo dục, đến suy nghĩ và hành động của các em học sinh.

Theo những số liệu thống kê về thực trạng bạo lực học đường, phần lớn đều xảy ra ở thành thị và các thành phố lớn. Trong số đó, đa phần là các em điều kiện kinh tế khá giả. Các em không hề thiếu thốn về tiền bạc vì được các bậc cha mẹ cung cấp đầy đủ. Cái các em thiếu chính là quyền lực, mặc dù cái quyền lực ấy chỉ là những thứ rất trẻ con, và chỉ được "tôn trọng" trong một phạm vi xã hội, phạm vi địa lý nhỏ hẹp.

Như vậy, cái nguyên nhân chính gây nên tình trạng bạo lực học đường được xác định từ chính xã hội chúng đang sống. Trong một xã hội mà người lớn vẫn thường "đối xử" với nhau bằng bạo lực và cái chuẩn mực giá trị con người, chuẩn mực đạo đức tốt đẹp xưa cũ được thay thế bằng công thức tiền bạc - quyền lực thì không thể nào giáo dục trẻ em hiểu biết được các lý lẽ làm người.

Bất kể xã hội nào, từ xã hội phong kiến đến xã hội hiện đại, để xây dựng một xã hội trong sạch, mang tính nhân văn thì đều cần phải có những chuẩn mực đạo đức nhất định. Và quan trọng nhất là các chuẩn mực đạo đức ấy phải hợp với lẽ đời, hợp với thuần phong mỹ tục của mỗi dân tộc thì mới mong sản sinh ra một thế hệ nhân văn, biết yêu thương con người, biết dùng tình yêu thương để đối xử với nhau trong cuộc sống hàng ngày.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét